Bánh hạnh nhân

Bánh hạnh nhân vốn phổ biến rất nhiều nơi. Nhưng chỉ có sản phẩm làm ở Chợ Mới-An Giang mới có thương hiệu và tiêu thụ mạnh.
Đến Chợ Mới hỏi lò bánh Tiến Anh chuyên về bánh hạnh nhân, nhiều người biết bởi đây là lò bánh ngon nhất xứ này. Bột bánh được làm rất kỹ. Hầu như mọi khâu quan trọng đều do chính tay chủ lò làm để giữ nguyên chất lượng vốn được duy trì của gia đình. Tùy theo thị trường, khẩu vị của khách mà chủ lò gia giảm nguyên phụ liệu. Vì thế, bánh hạnh nhân của Tiến Anh được bán khắp nơi.
Cơ sở Tiến Anh có đến 50 người làm nhưng vẫn không đủ bánh cung cấp cho thị trường. Cũng là bánh hạnh nhân với cách làm truyền thống nhưng bánh được nướng lò điện, nhiều khâu phần lớn sử dụng máy móc nên mẫu mã đẹp và chất lượng ổn định. Cơ sở này cũng độc quyền mẫu bánh hạnh nhân có hình hoa mai năm cánh chiếm lĩnh thị trường. Bánh được đựng vào hộp, nhiều loại túi có hình dáng, kích cỡ khác nhau, rất tiện để mua làm quà biếu.
Bánh hạnh nhân Tiến Anh có vị ngọt và béo vừa phải. Đặc biệt, bột được xử lý khéo léo nên không bị bể vụn hay dính tay. Nướng lò điện với nguồn nhiệt năng ổn định, làm cho bánh đẹp và vàng đều, nhìn là thèm ngay. Thực khách đến thăm cơ sở bánh này có thể tự tay "bắt" những chiếc bánh theo hướng dẫn của thợ rồi chờ nướng chín để có những sản phẩm nóng hổi ăn ngay, rất thú vị.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi dây chuyền sản xuất bằng máy móc, nên đến nay thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh của ông Trần Lê Hồng Anh, ngụ thị trấn Chợ Mới đã nức tiếng xa gần. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này cung cấp khoảng 1 tấn bánh hạnh nhân chất lượng cho thị trường.

Cơ duyên với nghề làm bánh:
Những ngày này, đến cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh mới thấy hết không khí tất bật của cơ sở để chuẩn bị cho mặt hàng bánh bán Tết. Cái nghề làm bánh đến với ông Trần Lê Hồng Anh cũng thật bất ngờ và thú vị. Ông kể, trước đây là một giáo viên dạy tiểu học. Cơ duyên đến với nghề này chỉ bằng cuộc hôn nhân giữa ông với vợ là bà Nguyễn Thị Trang Thùy. Nghề làm bánh hạnh nhân được gia đình bên vợ làm rất lâu đời nên bà Thùy rất giỏi nghề. Lúc đó, toàn bộ các khâu nhồi bột, cắt, nướng bánh… đều làm thủ công bằng tay, sản phẩm làm ra chỉ bán lòng vòng trong tỉnh chứ chưa đi xa. 
Ông Hồng Anh trần tình: “Trời chưa tỏ mặt, vợ tôi đã thức sớm lục đục nhồi bột, nướng bánh. Đến sáng, tôi vô bọc rồi đạp xe đi khắp các ngõ ngách, đầu trên xóm dưới, hay bán theo các chợ. Buổi sáng đi bán phụ tiếp vợ, còn buổi chiều về dạy học. Trung bình mỗi ngày, tôi rao bán khoảng chục ký, kiếm sống được. Thấy nghề làm bánh cũng phù hợp nên tôi quyết định nghỉ dạy để ở nhà đeo đuổi cái nghề này với vợ. Thời gian sau cũng có nhiều người vào nghề làm bánh hạnh nhân, thị trường lúc này cạnh tranh gay gắt, tôi mới nghĩ ra làm một chiếc máy nhồi bánh để đỡ tốn thời gian công sức và sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng. Từ đó, cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh phát triển mạnh dần”.
Sản xuất bằng dây chuyền máy móc:
Từ năm 2006 đến nay, cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh chế biến sản phẩm bằng dây chuyền máy móc hiện đại từ khâu nhồi bột, cắt bánh, nướng bánh để tạo ra sản phẩm chất lượng. Khi hỏi về địa chỉ mua chiếc máy sản xuất bánh, ông Hồng Anh cười tươi: “Ban đầu sản xuất bằng tay lâu lơ lâu lắc mới được 1 ký bánh. Làm riết có kinh nghiệm nên mới nghĩ ra chiếc máy làm bánh để sản xuất ra nhiều sản phẩm để đủ sức cung ứng thị trường. Ban đầu, tôi thiết kế bản vẽ, sau đó đến cơ sở hàn tiện nhờ họ làm. Chứ ngoài thị trường làm gì có bán chiếc máy như vầy…”.
Làm ăn ngày càng phát triển, để cơ sở đứng vững trên thị trường, ông Hồng Anh đã mạnh dạn đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh còn đăng ký luôn thương hiệu, bao bì, kiểu dáng với Sở Y tế để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình kinh doanh. Ông Hồng Anh nói: “Thấy mình làm ăn được ắt có người cạnh tranh và nhái mẫu mã sản phẩm. Do đó, tôi quyết định đăng ký lấy thương hiệu bao bì, kiểu dáng, nhãn mác… để người tiêu dùng an tâm lựa chọn, không sợ hàng nhái giả mạo kém chất lượng tuồn vào thị trường”. Hiện tại, cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh còn đầu tư 7 lò nướng bánh bằng điện, với kinh phí hàng tỷ đồng. Bình quân mỗi lò nướng có công suất 3kg bánh/10 phút. Ngoài ra, cơ sở này còn giải quyết việc làm cho trên 60 lao động nhàn rỗi ở địa phương, bình quân thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/ người/ tháng bằng việc vô bao bì, đóng gói...

Để phát triển  và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng rộng rãi, hiện nay cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh đã hợp tác với nhà phân phối là Công ty TNHH TM – XNK HOÀNG MỸ GIA để đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị và đã có mặt khắp cả nước, với đủ kiểu dáng như bánh tròn, bông mai, socola, giá cả vừa túi tiền người tiêu dùng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét